Đồng-Khánh 1973

Blog của Các bạn thuộc trường Đông Khánh Huế Niên Khóa 1973


Leave a comment

WD 40 hiệu quả như thần (Vũ Hằng)

Vũ Hằng
(ViễndongDaily.com) (Viễn Đông Nhật Báo)
 
Cái bình xịt WD 40 không ngờ hiệu quả như thần. Sau khi dùng nó xịt vào các rãnh ròng rọc để làm trơn dây kéo, các khe cửa lùa, cửa kéo, cửa patio…. trong nhà, khiến cho việc đóng mở bây giờ trở nên trơn tru dễ dàng, Hằng cảm thấy phục ông xã ghê lắm, bèn thưởng cho ổng một nụ hôn… gió. Biết là chưa vừa ý người ta đâu, nhưng kẹt có nhỏ bạn chuyên nghề “bóp bi tai” còn ngồi đó, nên đành khất với ổng dịp khác vậy. Nhưng kể từ lúc đó thì cái bình WD-40 được mang ra khỏi nhà kho, và có một chỗ danh dự trong “xưởng bếp,” bên cạnh hộp baking soda, hộp muối, chai dấm…. với những công dụng càng ngày càng phong phú đa diện. Thực vậy, WD 40 có đến hằng trăm cách sử dụng, giúp nội tướng chúng ta rất nhiều trong việc quản lý, săn sóc, và bảo trì nhà cửa… Sau đây là bảng kê một ít công dụng:
.
1. Thỏi son quên ở đâu đó….
Mãi tới khi mở cửa máy giặt mới thấy nó nằm ở trong túi của cái áo vừa giặt, nhưng bây giờ thì son đỏ đã ướt nhèm, loang ra khắp mọi nơi. Đừng lo, xịt một ít WD 40 vào những chỗ loang son rồi vò lại là xong.
Đối với những dấu son lỡ vương trên cổ áo còn dễ hơn: Chỉ một chút WD 40 là hoàn toàn phi tang dấu tích. Xin thanh minh trước với các bạn: Em không muốn làm người “chỉ đường cho hươu chạy”, nhưng sự thật là như vậy.
2. Dấu cà chua Ketchup
Nhân tiện nói về dấu son, đôi khi quần áo chúng ta cũng bị lem dấu cà chua hoặc Ketch-up: WD40 giải quyết những dấu lem này còn dễ nữa.
3. Zíp-pờ bị kẹt…
Zip-pờ, hay Zip là một thứ cửa, cánh cửa thì đúng hơn. Hằng nhớ ở Việt Nam ngày xưa, các anh chị lớn gọi nó là “phẹc mơ tuya,” tức là những dải vải dầy có “răng” ăn khớp với nhau, dùng thay khuy cài đính trên quần, áo, hoặc túi xách. Những dải zipper này rất tiện lợi, chỉ xoẹt xoẹt một cái là xong, nhưng bất tiện ở chỗ là nó rất dễ bị kẹt, kéo lên không được mà rút xuống cũng không xong. Những lúc vội vàng mà không điều khiển được nó, nhất là khi hàng Zip lại đằng sau lưng cái áo dài, người mặc chỉ muốn vất ngay cả cái áo đi. Lúc bấy giờ, xin bạn đừng vội nóng, nói ông xã kiếm bình xịt WD 40, xịt vài đường vào đường Zip là xong: Răng Zip bây giờ di chuyển dễ dàng, giúp bạn kéo lên kéo xuống một cách rất thoải mái.
.
4. Dây chuyền rối
Những sợi dây chuyền, đeo cổ, đeo cườm tay… chúng mà rối lên thì dù có bình tĩnh cách mấy cũng phải mất 5,7 phút mới gỡ được. Nhưng với vài giọt WD 40 bạn có thể gỡ rối trong nháy mắt.
.
5. Quạt máy:
Trời đã sang xuân, sắp vào hè, quạt máy lại được dịp kẽo kẹt cả ngày và … cả đêm. Nếu bạn thấy sốt ruột với những tiếng rền rỉ đó, xin chế cho nó chút WD 40.
6. Cán (ô) dù:
Cây dù là một vật dụng đơn giản, nhưng có nhiều khe kẹt, khiến việc “trương dù” hoặc “cụp ô” trở nên khó khăn. Đừng ngại, lâu lâu nhỏ một vài giọt WD 40 vào các khe nan dù, các nút điều khiển là dù trơn ngay.
7. Di tích của băng keo:
Băng keo thường để lại di tích trên đồ vật sau khi được tháo gỡ đi. Nếu đó là cái mặt tủ kính bình thường vẫn sáng ngời, thì vết lem đó hẳn là làm đồ vật mất nhiều giá trị. Không lo, hãy dùng WD 40 trên đó để rửa và lau lại, mặt kính sẽ sáng ngời như mới.
Áp dụng mẹo này với dấu vết còn để lại sau khi chúng ta đã gỡ cái “mác” ghi giá tiền trên quần áo hoặc một món đồ vừa mua cũng rất là “ép phê.” Chứ tặng quà cho người ta mà để nguyên cái “mác” giá tiền trên đó, thì “show off” lộ liễu quá!
.
8. Vạch bút chì sáp (Crayon):
Cũng vậy WD 40 rất hiệu quả trong việc lau rửa các vệt bút chì sáp do trẻ em vẽ nguệch ngoạc trên tường, trên bàn, trên quầy bếp…. Xịt WD40 lên các vệt lem đó, rồi lấy vải mềm khô lau lại.
.
9. “Bựa” dầu mỡ quanh khu vực nấu ăn:
 Dầu mỡ bắn ra từ nồi niều xoong chảo, kết dính lại thành những lớp “bựa” đen rất khó tẩy trừ. WD-40 sẵn sàng can thiệp làm chúng bở và mềm ra như đất để chủ bếp lau đi..
.
10. Gỡ tàn tích kẹo “cao su” trên mặt thảm, hoặc dính vào tóc:
Có lúc những miếng kẹo cao su dính kết thảm vào mặt thảm, làm bạn phải cắt trụi nhiều sợi thảm mới gỡ miếng kẹo đó ra được. Bây giờ nếu lại gặp trường hợp ấy, xin bạn bình tĩnh, lấy WD 40 ra xịt vài giọt…. cao su sẽ rời ra, để cho mình “nhón” đi dễ dàng….
.
Bình xịt WD 40 còn cả ngàn công dụng khác nữa, cứ thử dùng nó đi rồi “nghề dạy nghề” bạn sẽ khám phá ra các ích lợi còn lại. Nhưng có một số tác dụng lạ đời, khiến cho WD 40 xuất hiện như một thứ thần dược, nhỏ bạn bác sĩ của Hằng cũng phải công nhận, để lần sau chúng mình sẽ nói thêm.
.
 11. Khi bị ong chích
Ai không biết chứ cái tai nạn này thì trước đây em gặp hoài. Chỉ do cái tội thơ thẩn ngoài vườn thôi. Nhất là khi trời vào xuân, thời tiết mát mẻ, theo với chim trời, loài ong cũng đi tìm những vườn cây để làm tổ. Có những loài ong truyền nọc rất độc, có thể gây tử vong. Không đến nỗi đó thì cũng làm nạn nhân khổ sở vì ngứa, đau, và nhức nhối dai dẳng cả mấy ngày. Về phần thủ phạm, sau khi chích xong rồi, thì để lại cái vòi của mình trong da thịt người ta rồi bay đi tìm đường … chết.
.
Đúng vậy, và bởi vì chỉ có một cái vòi mà đã bị mất, con ong chỉ chích được một lần trong đời. Sao dại thế không biết? Ông xã em nghe được chuyện này thường hay thở dài, xót xa: “Của quí không biết giữ lấy mà xài! Sao không học chúng ông đây? Có chích cả ngàn lần cũng không bao giờ để mất vòi!” Chuyện, học được mấy ông thì chúng đã chẳng là ong.
.
Nhưng chính vì cái vòi để lại mà nọc độc tiếp tục được tiêm vô da thịt, khiến nạn nhân càng lúc càng cảm thấy khổ sở. Vì thế, điều đầu tiên là mình phải tìm cách lấy cái ngòi chích ra, càng sớm càng tốt. Mà phải cẩn thận trong khi lấy ngòi, đừng nhấn ép vào 2 bên chỗ bị chích, như vậy càng giúp cho nọc độc phun ra nhiều hơn. Thay vào đó, mình phải “gãi” cho nó ra, bằng cách dùng móng tay, nếu có móng dài. Tốt nhất là dùng cái thẻ nhựa (thẻ tín dụng, bằng lái xe…) kê vào bên dưới nốt chích, rồi từ từ nẫy cái kim ra.
.
Sau đó, để chữa đau tức thời, bạn có thể xịt lên đó ít giọt WD40. Nốt chích sẽ từ từ dịu lại, bớt đau ngay.
Không kiếm được WD 40, bạn có thể dùng kem đánh răng để thoa, cũng sẽ thấy hiệu quả tức thời. Lục tìm được bình WD 40 để cấp cứu chắc hơi khó, nhưng kem đánh răng thì cứ vào phòng rửa mặt là có ngay, phải không?
Tuy nhiên, nếu muốn ngăn chặn từ gốc, tức là không muốn ong đến làm tổ quanh nhà mình thì bạn phải kiếm WD40. Ong thích làm tổ bên dưới mái nhà, ở chỗ mà giới xây dựng gọi là Eaves . Có người bảo rằng ong đến làm tổ là mang lại sự may mắn. Không biết có đúng như vậy không, nhưng bị ong chích chắc chắn là chẳng may mắn chút nào. Nhất là khi cái tổ lại nằm ù ù một cách rất phản mỹ thuật ở ngay trên lối đi vào nhà. Mấy nhỏ bạn kỳ kèo với Hằng hoài, chúng bảo lừa mãi mới phá được, lũ ong lại kiếm đất về xây tổ ngay mấy ngày sau đó. Nhưng nếu bạn áp dụng cái mẹo này thì …. ong sẽ tuyệt tích, không dám về nữa, đó là: Lấy WD40 xịt vào. Trước tiên, ong sẽ bay đi hết, để lại cái tổ đất… bở dần ra như bùn, mình phá đi dễ dàng và không sợ ong bay ra tấn công.
.
Nhưng khoan! Sau khi bạn phá tổ ong đi rồi mà thấy số mình không còn được hên như trước, thì đừng đổ tội con bé này xúi dại nhé.
12. Tháo gỡ chân tay …
Xin nói ngay đây là chân tay giả, mà Hằng đã từng thấy mấy chú bác thương phế binh phải mang. Có nhiều lúc tháo những đồ giả này ra rất khó khăn, nhất là khi không có ai bên cạnh để nhờ giúp. Nếu bạn thấy ai gặp tình cảnh này, xin mách với họ một cái mẹo nhỏ: Xịt mấy giọt WD-40 vào các khớp nối, đoạn chân hoặc tay giả sẽ được tháo ra một cách dễ dàng.
.
13. Tháo nhẫn
Bạn có công nhận là nhẫn đeo vào tay nhiều khi dính chặt, tháo ra rất khó không? Dù là nhẫn cưới, hay là nhẫn đeo chỉ để làm đẹp, vẫn có nhiều lúc chúng không chịu để cho mình tháo ra. Nếu đã xoay xoay, kéo kéo hoài đến đỏ cả tay cũng không rút ra được, bạn hãy đi kiếm bình WD-40, và xịt vài tia vào khe nhẫn. Chắc chả cần vài tia, chỉ cần một tia đã được việc, có thể tháo nhẫn ra ngay. Nhưng nhớ phải rửa tay cho sạch sẽ sau đó nhé.
.
14. Chân đạp trúng… mìn
Uh-oh! Trúng rồi! Đường phố nước Mỹ đẹp thật, nhưng người Mỹ lại thích dẫn chó đi rông ngoài đường, vô ý để lại những “bãi mìn thời bình.” Đạp trúng mìn, ít khi mình biết ngay là vì đôi chân có đi giầy. Phải chờ đến khi ngồi vào trong xe, hay về tới nhà, nghe mùi thối mới biết là mình đã bị gài. Bây giờ lật đế giầy lên, bạn mới thấy xác mìn len đầy trong các khe kẽ đế giầy, rửa thật là khó. Nhưng xin bạn bình tĩnh, lấy một bình WD 40 xịt nhiều nhiều lên đó. Để một lúc cho thấm, rồi lấy nước xịt là xong, không mất công mấy đâu. Nhưng nhớ là lần sau đi bộ ngoài đường chịu khó nhìn xuống đất một chút, không phải lúc nào cũng “ngước mắt nhìn trời” là tốt đâu.
Advertisement


Leave a comment

THÚ LỘI LỤT Ở HUẾ (Bùi Kim Chi)

THÚ LỘI LỤT Ở HUẾ
(Bùi Kim Chi)

“Tháng 7 nước nhảy lên bờ”. Mà lên bờ thiệt. Mưa. Mưa. Mưa… kéo dài lê thê. Lúc đầu nhỏ sau lớn dần. Nặng hạt. Xối xả. Cây cối trong vườn ngã nghiêng theo mưa và gió. Cây Lựu trước sân nhà tôi tơi tả. Trời tối dần. Mưa càng lúc càng to. Ào ào như thác đổ. Mưa suốt đêm. Sấm đất cuốn vào mưa. Ầm ầm. Ào ào. Âm thanh rộn rã… Có lẽ lụt – tôi nhủ thầm. Màn đêm bao trùm vạn vật trong mưa. Sáng mai mà lụt thì được nghỉ học, được lội lụt. Lụt ?… Lụt?… Giấc ngủ đến với tôi thật nhanh bởi tiếng sấm đất, tiếng mưa đêm dồn dập to, nhỏ đều đều không dứt – mưa lụt.


… Thức giấc thì trời đã sáng. Tiếng sấm đất vẫn ì ầm kéo dài như tiếng súng. Tôi vội vàng mở cửa sổ nhìn ra sân tìm lụt. Lụt thật rồi ! Nước lấp xấp trong sân nhà tôi. Khấp khởi mừng thầm trong bụng, tôi khẻ đóng cửa sổ tránh mưa. Trời sáng dần. Trong nhà mọi người xôn xao : “Lụt rồi ! Lụt rồi”. “Nhà mình cao mà có nước như ri là mọi nơi đều có nước lụt rồi”. Em tôi vỗ tay la lên. Mạ tôi mắng yêu : “Cha mi”. Tôi cũng mừng lắm nhưng không la lên như em. Buổi sáng. Đội mưa đi học. Mưa vẫn rất lớn. Hai bên đường trong thành nội nước ao chảy mạnh… Ngang qua cầu Trường Tiền, gió và mưa chực sẵn đổ nhào vào người tôi . “Thân gái dặm trường”, “Liễu yếu đào tơ”- cải lương dễ sợ. Lạnh, mưa, gió làm cho người tôi và xe chao đảo, nghiêng ngã theo gió. Tôi phải cố sức ghì chặt guidon xe. Nước sông Hương lên. Bình thường trong xanh bây giờ đục lờ. Cuồn cuộn. Hối hả. Đuổi nhau. Đò tấp vào bờ. Cư dân đò xôn xao lên đường …

 


Ngôi trường màu hồng thấp thoáng trong mưa. Hàng phượng già trong sân đìu hiu, xác xơ. Sân trường nhốn nháo tiếng học trò lẫn vào tiếng mưa ào ạt. Xanh, trắng, vàng, tím di chuyển. “Có học không?”. “Chắc được nghỉ học”. “Lụt sắp tới nơi”… Tiếng chuông điện báo hiện giờ vào lớp. Sân trường vắng tiếng học trò nhường chỗ cho tiếng mưa và gió ào ào xối xả qua chiếc máng xối ở một góc tường hồng. Con đường đất trước hành lang lớp học ngập nước – nước ứ. Nhìn vẫn cứ thích mắt. Mọi cặp mắt đều hướng về cửa lớp chờ đợi. Theo lệnh của nhà trường, chúng tôi được nghỉ học vì nước sông Hương tràn bờ ở Đập Đá. Cả lớp ồ lên. Gương mặt rạng rỡ. Sắp được “lội lụt”. Về đường nớ, đi tê mới có nước lụt. Các bạn xôn xao lên kế hoạch. Tháng 7 âm lịch nước sông Hương hay nhảy lên bờ nên các bạn thường đi bộ đến trường để thuận tiện cho việc “đi lội lụt”. Không hiểu sao tôi lại đi xe đạp. Khờ quá. Một mình đạp xe về nhà. Bên lề đường Lê Lợi, các anh Quốc Học đang “chần chờ” dưới mưa để “đợi” các nàng Đồng Khánh. Nước sông Hương chỉ mới tràn lên mé công viên chưa ra đường nên nhóm bạn ở khu vực gần trường phải theo các bạn ở Chợ Cống, Đập Đá để lội lụt. Các bạn vẫy gọi tôi. Nước Đập Đá tràn bờ từ sáng sớm nhưng chưa đến nỗi nào, xe và người có thể qua lại và học trò thì vẫn có thể “lội lụt” thoải mái nhưng phải thăm chừng nước lên “đột ngột” – kinh nghiệm lội lụt của các bạn nhà ở Đập Đá và Chợ Cống. Hai nơi có lụt sớm nhất.


Nhà ở Thành Nội nên tôi đi lội lụt cùng nhóm bạn ở trong thành. Mưa vẫn nặng hạt nhưng gió thì có nhẹ hơn, đang cùng mưa lượn khắp nơi nhìn người lội lụt. Chúng tôi, năm đứa hẹn nhau ở trường Tiểu học Trần Quốc Toản. Trường ngập nước. Không còn học trò. Mưa bỗng ào ào rất to. Ngang qua Tòa án, một chiếc xe hơi ào tới làm nước vỡ òa trước mặt chúng tôi. Nước trên đường nhấp nhô. Nghiêng qua. Đảo lại. Nước tung đầy mặt. Cả bầy con gái tắm trong nước. May mà có áo mưa che. Năm đứa quây tròn ôm nhau,Tương Ngẫu, Ngọc Khánh, Bích Hà, Ngọc Thạch và tôi. “Bất lịch sự” – Bích Hà nhìn xe phàn nàn. Tôi vuốt vội nước trên mặt rồi hồn nhiên : “Lội lụt mà lịch sự gì. Mặc ai nấy đi. Xe đi. Người lội. Nước vung vẩy. Ấy đừng nhiều chuyện”. Bích Hà nguýt yêu tôi : “Cái con ni”. Thạch, Ngẫu, Khánh nhìn tôi và Bích Hà, cười. Đoạn đường này tương đối cao nên khoảng ở giữa đường nước chỉ qua mắc cá chân một chút. Mặt đường trải nhựa nên nước tương đối trong, thấy rõ đôi chân thon nhỏ, xinh xinh của năm đứa con gái lấp lánh trong nước. Guốc mộc, quai guốc trong hất nước tung tóe. Chúng tôi lội dần đến đường Âm Hồn gần trường Trung học Bồ Đề. Đoạn đường này nước sâu đến đầu gối do thấp vả lại nước ở các Hồ tràn lên đường chảy khắp nơi. Trên đường, con trai, con gái nhởn nhơ lội lụt. Xôn xao. Rộn ràng. Ơi ới gọi nhau. Mưa hát. Mưa reo. Nhạc nước rì rào lẫn vào âm thanh bì bỏm đều đều của những bước chân học trò trong nước đưa lên bỏ xuống, đẩy tới hất lui. Chuyên nghiệp “lội lụt”. Con đường này gần trường Trung học Bồ Đề, Hàm Nghi, Nữ Thành Nội nên học trò lội lụt đông vui. Lội lụt để tìm nhau, để nhìn nhau. Đứa đẹp. Đứa dễ thương. Cứ lội qua, lội lại, lội tới, lội lui … nhìn nhau. Con trai “ngắm” con gái. Con gái “nhìn” con trai. Khen đẹp, chê xấu, được được, dễ thương đủ hết. Lội trước mặt để nhìn, lội sau lưng để hóng chuyện của con gái. Con trai đi lội lụt chỉ có thế. Con gái lội lụt nửa ham vui, nửa ưng làm điệu lội lụt tà tà với gương mặt “tỉnh tỉnh” nhạt nhòa trong mưa cho các anh say sưa ngắm. Thấy các anh mà “tội”. Thấy các em mà “thương”. Nước trên đường vẫn tuôn. Nhấp nhô thành từng làn sóng nhỏ qua bước chân của người lội lụt. Mưa tạnh. Mọi người trên đường thấy rõ mặt nhau hơn. Chân lội. Mắt nhìn. Com trai rạng rỡ. Con gái làm duyên. Tất cả đều hiền lành, dễ thương. Làm nền cho con đường Âm Hồn lúc này là cảnh “Học trò lội lụt”. Vui ơi là vui !


Trời sáng dần rồi bỗng thay chiếc áo màu lam. Cả một màu lam huyền bao trùm không gian. Mưa lắc rắc, gió lành lạnh. Nước vẫn giữ nguyên không rút cũng không dâng lên tiếp. Trời đẹp chi lạ …
Buổi chiều. Trời vẫn mưa nhưng không buồn. Tôi mặc chiếc áo mưa tím, che dù tím – rất điệu. Tôi hẹn các bạn lội lụt cuối đường Tôn Nhơn qua Ngô Đức Kế. Chung quanh tôi mọi người đều “điệu”. Lội lụt chỉ có con gái, con trai, còn người lớn tham gia trên đường chỉ do công việc cần đi. Đường Ngô Đức Kế là con đường thường xuyên đón lụt hàng năm. Nước các Hồ trong Thành Nội tràn, nước sông Hương tràn bờ vào cửa Đông Ba nên đường Nguyễn Đức Kế có nước để thiên hạ lội lụt.
Ngoài đường, trong nhà rộn ràng, tấp nập. Gương mặt mọi người bình thản, không lo lắng. Chỉ hơi băn khoăn một chút vì ngày mai nước rút phải làm vệ sinh nhà cửa vất vã – nhưng không sao. Mưa nhỏ hạt nhưng cũng đủ sức cuốn vào nhau thành những cánh hoa nước nhảy múa trên đường. Nước nhấp nhô, rẽ thành đường dài chao đảo khi có xe đạp lướt qua. Nhìn cũng hay hay. Trước mặt, sau lưng chúng tôi, xanh, đỏ, tím, vàng đủ màu sắc lấp lánh dưới mưa. Chúng tôi tranh nhau đi sát vào nhau để tránh mưa dưới những chiếc dù con gái xinh xinh. Cả bầy đều đẹp. Thu hút mọi người trên đường lội lụt. Chúng tôi bì bỏm lội lụt dưới mưa. Lội dần đến đường Mai Thúc Loan ra cửa Đông Ba đến đường Huỳnh Thúc Kháng (Hàng Bè). Đò lên bờ nằm trên đường. Người đi đường và đò san sát nhau. Cư dân đò nhốn nháo. Đò ni, đò nớ gọi nhau. Người lội lụt thản nhiên nghịch nước, trêu mưa bởi những chiếc dù màu đưa lên, đưa xuống, lượn qua, lượn lại trên đường như bươm bướm. Gương mặt mọi người sáng lên vì trời bắt đầu tạnh mưa. Nước sông không lên không xuống. Chỉ dừng ở mức ngang đầu gối chân của người lội lụt. Bên đường, nhà nào cũng mở cửa đứng nhìn thiên hạ lội lụt đồng thời thăm dò con nước. Chúng tôi gặp các chị, các bạn cùng trường, cùng lớp trên đường lội lụt. Con đường Hàng Bè bỗng xôn xao bước chân con gái lội lụt. Đều đặn. Nhịp nhàng. Lội lụt cũng điệu. Chỉ có đi lội lụt, con trai Huế mới có dịp ngắm con gái cận mặt. Ngày bình thường đi học có bao giờ con trai, con gái được nhìn nhau như ri. Vì thế mà lội lụt ở Huế là một “cái thú” rất riêng, rất vui và rất dễ thương của người Huế thuở mới lớn. Ngày ấy, cách đây nửa thế kỷ lụt Huế chỉ là cơ hội một năm có một, hai lần nước sông Hương tràn bờ nhè nhẹ để có một ít nước cho trẻ thơ nghịch nước, cho tuổi trẻ mượn nước trên đường để tìm nhau, âm thầm trao đổi những niềm vui “không tên” thoảng qua. Người lớn thì được lao động nhẹ, vệ sinh nhà cửa sau một, hai ngày (thường là một ngày) Bà Lụt viếng nhà. Còn người già nhìn con trẻ lội lụt mà vui khi nhớ về tuổi trẻ tung tăng lội nước trên đường làng. Thuở ấy, lụt Huế bao giờ cũng là những “cái lụt” thoáng qua. Thoắt đến. Thoắt đi để cho con nít, con gái, con trai phải tiếc “ngần ngơ” mỗi lần nước rút. Bây giờ lụt Huế không phải là những “cái lụt” nhẹ nhàng, dễ thương, thu hút mọi người ra đường lội lụt nữa mà là những “trận lụt”. Những “trận lụt” màn trời, chiếu đất. Mọi người sống trong lo toan, sợ hải, sợ đói, sợ chết. Trẻ thơ mắt ngơ ngác. Mắt con trai, con gái buồn bã, hoài nghi. Người già mắt buồn lo sợ. Mưa khóc. Tất cả mọi người chuẩn bị và vội vàng “Chống lụt”.

 
Huế ơi ! Thật buồn khi Huế mất đi những cảnh lội lụt lao xao, rộn rã trên các ngã đường của Huế. “Lội lụt để tìm nhau, để nhìn nhau, để cho mắt long lanh, cho tâm hồn bay bổng”. Đó là niềm vui của con trai, con gái của Huế một thời.
… Ai đó, đã làm mất đi những “cái lụt” thoáng qua vô cùng dễ thương của Huế để cho bây giờ …!!!

Bùi Kim Chi